Hoàng hậu Đại Đường Trưởng Tôn hoàng hậu

Mẫu nghi thiên hạ

Trên cương vị Hoàng hậu, Trưởng Tôn thị được sử gia đương thời đánh giá là khiêm tốn, hòa nhã và tiêu dùng rất tiết kiệm. Bà đã khuyên Đường Thái Tông thả ngay 2.000 cung nữ về với gia đình. Ngoài ra, đối với cung nữ và hoạn quan phục vụ mình, bà rất hiếm khi la mắng, roi vọt. Nếu Đường Thái Tông cố ý tức giận với một cung nhân nào mà không có lý do, bà cũng sẽ giả vờ tức giận rồi bí mật thẩm vấn họ, sau đó giấu họ ở một nơi chăm sóc chu đáo, rồi khi Thái Tông nguôi cơn giận thì bà sẽ xin dùm tội cho họ. Sử còn nói rằng, nếu một cung tần nào của Thái Tông đau ốm, bà sẽ đích thân đến hỏi thăm và trích tiền tiêu dùng của mình để chữa trị cho họ[14][15][16].

Trưởng Tôn hoàng hậu thường nói chuyện xưa cho Thái Tông nghe để giúp ông những vấn đề khó khăn trong việc triều chính. Nhưng khi ông đang có ý muốn ban thưởng hoặc xử tội quần thần, ông có hỏi bà cho ý kiến và bà thường từ chối nêu ra vì cho rằng bổn phận của mình không được can dự vào[17][18][19]. Bà đối với tính khí của Thái Tông hết sức thấu hiểu, nên thường xuyên tìm biện pháp khắc phục nhược điểm này của chồng mình[20][21]. Có một lần, con tuấn mã yêu thích của Thái Tông không may mà chết, Hoàng đế toan trừng phạt kẻ dưỡng mã thì Hoàng hậu Trưởng Tôn thị bèn can gián, dẫn chuyện Yến Anh khuyên Tề Cảnh công năm xưa, trăm điều không nên khi trừng phạt kẻ dưỡng mã. Cuối cùng Đường Thái Tông vì can gián này mà thôi, còn nói với Phòng Huyền Linh rằng:"Hoàng hậu có thể ở mọi phương diện chính sự mà ảnh hưởng đến Trẫm. Đối với Trẫm muôn vàn ích lợi!"[22].

Bên cạnh đó, Trưởng Tôn hoàng hậu đối với các Hoàng tử do mình sinh ra cũng rất nghiêm khắc, thường giáo dục và nghiêm khắc yêu cầu họ phải tu tâm dưỡng tính[23]. Khi con trai bà là Lý Thừa Càn trở thành Thái tử, phải dọn đến Đông Cung và sống cuộc sống nghiêm khắc của một Trữ quân. Toại An phu nhân là nhũ mẫu, cũng là người đi theo Thừa Càn đến Đông Cung để chăm lo vấn đề sinh hoạt cùng chi phí. Thấy Đông Cung thiếu nhiều thứ, Toại An bèn ở trước mặt tấu lên Hoàng hậu. Trưởng Tôn hoàng hậu dù yêu quý con trai, nhưng không vì thế mà cổ vũ Đông Cung xa hoa, bèn bỏ qua lời tấu của Toại An phu nhân[24].

Ức chế ngoại thích

Năm đầu Trinh Quán (627), anh trưởng khác mẹ của Hoàng hậu là Trưởng Tôn An Nghiệp bị tội tạo phản. Khi đó, nhiều người nghĩ Hoàng hậu sẽ bỏ rơi ông ta vì việc đối xử tệ hại của ông ta đối với mẹ và anh em bà trước đây, nhưng Hoàng hậu cuối cùng vẫn can thiệp và xin cho An Nghiệp khỏi tội chết, chỉ bị đày đi Xuyên Châu (巂州; nay là Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên)[25].

Trong khi đó, anh trai bà là Trưởng Tôn Vô Kỵ là trọng thần, đã giúp đỡ Đường Thái Tông rất nhiều trong sự biến Huyền Vũ môn khi xưa. Nay Thái Tông vì nể công lao của anh vợ, cũng như tình cảm phu thê với Hoàng hậu Trưởng Tôn thị mà có ý gia ân ngoại thích, chủ ý phong Trưởng Tôn Vô Kỵ làm Tể tướng. Biết được chuyện này, Hoàng hậu Trưởng Tôn thị vội vàng từ chối: "Thần thiếp đã có thể ở lại trong cung và hưởng vinh hoa phú quý, đã là phúc phận to lớn. Thiếp không muốn trèo cao, để gia tộc anh em nắm đại quyền, hoàn toàn không phải điều nên làm. Cứ xem việc xảy ra với gia tộc của Lữ hậuHoắc Quang khi xưa chẳng phải là ví dụ điển hình hay sao? Thần thiếp kính mong Hoàng thượng đừng lập anh trai thần thiếp chức vị Tể tướng".

Không đồng ý với ý kiến của bà, Thái Tông vẫn lập Vô Kỵ làm Tể tướng vào mùa thu năm đầu Trinh Quán. Sau đó, Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng cùng chung chí hướng với Hoàng hậu, dâng sớ xin bãi bỏ chức Tể tướng của mình. Do thỉnh cầu khẩn thiết từ Vô Kỵ và sự cứng rắn của Hoàng hậu, Đường Thái Tông đành đưa ông ta ra khỏi vị trí Tể tướng[26][27][28]. Về phương diện ngoại thích, suốt 10 năm tại vị, Hoàng hậu Trưởng Tôn thị luôn khiêm nhường và tránh cho các thành viên gia tộc Trưởng Tôn mang quá nhiều đặc ân cùng quyền thế, đến tận khi bà qua đời. Quan niệm của bà xuất phát từ việc ngoại thích Trưởng Tôn thị có được thân phận như vậy, đã là phúc phận to lớn, những ai không có nhiều tài cán mà lại được gia ân, ắt sẽ mang họa không chỉ cho triều Đường mà còn cho bản thân nhà Trưởng Tôn. Có thể thấy Hoàng hậu Trưởng Tôn thị đối với phương diện chính trị và thế cuộc có cái nhìn bao quát và vẹn toàn hiệu quả, không phụ đôi bên giữa Lý Đường và thân thích Trưởng Tôn[29][30][31].

Khen ngợi trung lương

Trưởng Tôn hoàng hậu đối với thời kì Trinh Quán phồn thịnh, là người có vai trò rất then chốt. Đối với một Hoàng đế nóng nảy và mạnh bạo như Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Trưởng Tôn hoàng hậu luôn phải đứng ra can gián cùng thương thuyết, nhờ đó có nhiều hành động sáng suốt. Sử đời sau ca ngợi Trưởng Tôn hoàng hậu, phần nhiều cũng vì bà có can đảm gián ngôn Thái Tông[32].

Năm Trinh Quán thứ 6 (632), Thái Tông gả con gái lớn của Trưởng Tôn hoàng hậu là Trường Lạc công chúa Lý Lệ Chất cho con trai của Trưởng Tôn Vô Kỵ là Trưởng Tôn Trùng. Do là con gái của Hoàng hậu và cũng là ái nữ của mình, Đường Thái Tông ban đầu tính cho của hồi môn của Công chúa hơn mức bình thường, còn trội hơn của hồi môn của em gái ông là Vĩnh Gia Trưởng công chúa (永嘉長公主). Tuy nhiên, đại thần Ngụy Trưng can ngăn, nói lại việc Hán Minh Đế Lưu Trang trước đây, phân rõ Hoàng tử con của ông không thể ngang hoặc hơn các chú của ông được trong việc phân phong đất đai. Đường Thái Tông nghe tấu xong tức giận, bèn nói với Hoàng hậu. Trái lại, Hoàng hậu Trưởng Tôn thị cực kì tán thưởng Ngụy Trưng và xin đem vànglụa ban thưởng cho ông ta, còn nói:"Nghe nói ông chính trực thẳng thắn, kiến thức uyên thâm. Sau này hi vọng ông cứ thế duy trì, phù trợ Hoàng thượng!". Có thể nói, Ngụy Trưng trứ danh triều Đường có tiếng thẳng thắng can gián, có phần rất lớn do Trưởng Tôn hoàng hậu ảnh hưởng[33][34][35].

Lại trong một dịp khác sau đó, Đường Thái Tông ở trên triều thường bị Ngụy Trưng nói thẳng can ngăn, phản đối những quyết định của ông khiến ông rất tức giận và có ý định xử tội Ngụy Trưng. Thái Tông tức giận trở về cung điện, mắng nhiết:"Ta nhất định sẽ đem cái tên khố rách áo ôm ấy chém chết!". Hoàng hậu ngồi ở bên, thấy thế liền hỏi:"Là ai đã khiến ngài nổi giận?". Nghe xong sự việc, Hoàng hậu quay lại phòng ngủ và mặc một bộ đồ trang trọng nhất, cung kính lạy Thái Tông. Hoàng đế ngạc nhiên hỏi vì sao, thì Trưởng Tôn hoàng hậu nói: "Thần thiếp nghe nói, chỉ có minh quân mới có được những thần tử chính trực. Nay Ngụy Trưng tính tình khẳng khái thanh liêm như vậy, chẳng phải là vì Hoàng thượng là một minh quân sao? Như vậy đã đáng để thần thiếp chúc mừng Hoàng thượng.". Sau đó, từ tức giận, Thái Tông trở nên vui vẻ và không trách phạt Ngụy Trưng nữa. Sự tích này được người đời sau gọi là [Triều phục tiến gián; 朝服进谏], là một trong những điển tích nổi tiếng nhất ca ngợi sự thẳng thắng cũng như vai trò to lớn của Trưởng Tôn hoàng hậu đối với Đường Thái Tông[36].

Đế-Hậu tình thâm

Là cặp Đế-Hậu quyến luyến, sử sách ghi lại rất nhiều hành tung của hai người, đều cho thấy sinh thời cả hai rất trân trọng và yêu quý nhau. Cuộc sống của cặp Đế-Hậu này cũng thường xuyên khắn khít. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông thường xuyên trở bệnh, Hoàng hậu ngày đêm hầu hạ thuốc thang không rời. Có cung nhân đã chứng kiến Hoàng hậu luôn mang thuốc độc bên mình, nếu Thái Tông đột ngột băng hà thì bà cũng sẽ tự tử theo ông[37][38]. Ngoài việc triều chính và hoàn thiện vai trò mẫu nghi, Trưởng Tôn hoàng hậu rất có nhã hứng thơ văn, một hôm du ngoạn vườn Thượng uyển thấy cảnh trí rất đẹp, bà bèn sáng tác một khúc hát gọi là [Xuân Du khúc; 春游曲]. Đường Thái Tông nghe khúc hát, thích thú cảm thán:"Kiến nhi tụng chi, sách sách xưng mỹ" (Nguyên văn: 见而诵之,啧啧称美)[39].

Năm Trinh Quán thứ 2 (628), con trai nhỏ của bà là Lý Trị ra đời. Trưởng Tôn hoàng hậu tặng cho con trai một vật cát tường, gọi [Ngọc long tử; 玉龙子]. Đây là vật mà Đường Thái Tông chiếm làm chiến lợi phẩm từ hoàng cung Tấn Dương năm xưa, ông đã thấy vật này phi thường quý giá, không ai có được nên đưa nó cho vợ mình. Trưởng Tôn hoàng hậu luôn đem vật này cất trong rương đồ của mình, đến nay sinh hạ quý tử nên bà liền đem cho con trai. Vật này về sau truyền lại đời đời cho các Hoàng đế triều Đường, gọi là [Quốc thụy; 國瑞][40][41]. Những người con do Trưởng Tôn hoàng hậu sinh ra, có Lý Thừa Càn danh chính ngôn thuận trở thành Thái tử, tính thông minh, Thái Tông cực kỳ yêu quý[42]. Đến các Ngụy vương Lý Thái[43], Tấn vương Lý Trị trưởng thành sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu mất rất nhiều năm, song vẫn được Đường Thái Tông yêu quý không dứt. Đặc biệt là Lý Trị, về sau trở thành Đường Cao Tông[44]. Bên cạnh các con trai, Đường Thái Tông cũng yêu quý tất cả con gái do Trưởng Tôn hoàng hậu sinh ra, đặc biệt có Tấn Dương công chúa được Đường Thái Tông đích thân đem đến cung riêng của mình nuôi dưỡng sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời.

Vào những ngày khác, Trưởng Tôn hoàng hậu cùng Thái Tông đến Đại An cung (大安宮) để thăm Thái thượng hoàng Lý Uyên, và Đế-Hậu thường tổ chức những lễ hội để cho Thượng hoàng vui vẻ, để thiên hạ thấy được Hoàng đế Lý Thế Dân đối với thân phụ thực là tận tâm tẫn hiếu. Khoảng năm Trinh Quán thứ 8 (632), tháng 3, Cao Tổ mở yến tiệc tại Lưỡng Nghi điện để chào đón sứ giả Đột Quyết, Thái Tông cùng Hoàng hậu mặc Ngự phục tham dự. Từ khi Trinh Quán khai triều, tứ di quy phục, Cao Tổ thập phần cao hứng. Trưởng Tôn hoàng hậu đích thân dẫn người thay y phục và đội mũ cho Thượng hoàng, thấy râu tóc của Thượng hoàng đã điểm bạc, bất giác rơi lệ. Lễ dâng yến của Đế-Hậu đối với Thái thượng hoàng cũng hết mực cung kính nhưng không kém phần thân thương bình dị, hệt như lễ nghi của nhà bình dân[45].